
Dòng khí ít ỏi cuối cùng đến EU có thể bị cắt do tranh chấp giữa Nga và Ukraine về vận chuyển.
Theo Bloomberg, giá khí đốt châu Âu tăng 22%, cao nhất trong 3 tuần, sau khi tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Gazprom của Nga cảnh báo về các lệnh trừng phạt đối với đối tác Naftogaz của Ukraine. Điều đó có nghĩa là lượng khí đốt ít ỏi vẫn chảy từ Nga qua Ukraine đến Tây Bắc châu Âu đang gặp nguy hiểm.
Công ty dầu mỏ Naftogaz của Ukraine hồi đầu tháng cho biết họ đang kiện Gazprom ra tòa án trọng tài Thụy Sĩ, cho rằng tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga trả phí vận chuyển khí đốt đến châu Âu quá thấp. Naftogaz yêu cầu Gazprom thanh toán theo điều khoản “ship-or-pay” trong hợp đồng. Theo quy định này, người mua đồng ý thanh toán công suất theo hợp đồng không phụ thuộc vào khối lượng khí vận chuyển thực tế.
Trong khi đó, Gazprom tuyên bố không thể thanh toán khối lượng mà Ukraine không xuất xưởng sau khi Kiev đình chỉ hoạt động của một trong hai nhà ga ở biên giới giữa nước này.
Hiện tại, các đơn đặt hàng khí đốt qua Ukraine vào ngày 28 tháng 9 ổn định, theo nhà điều hành vận chuyển Ukraine. Tuy nhiên, các thương nhân đang theo dõi sát sao mọi diễn biến vì đây là tuyến đường vẫn cung cấp khoảng một nửa lượng khí đốt còn lại của Nga cho EU, nửa còn lại qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt của ICIS ở London, cho biết có vẻ như những sự cố trong đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 chỉ là khúc dạo đầu cho diễn biến mới nhất này. Nếu Nga cũng cắt khí đốt qua Ukraine, thì giờ đây EU thậm chí không thể tính đến chuyện quay lưng hoặc yêu cầu mở Nord Stream để giải quyết tình hình.
Thị trường khí đốt xôn xao trước thông tin hai nhánh đường ống Nord Stream 1 và một trong hai đường ống Nord Stream 2 bị vỡ. Rò rỉ khí đốt ở biển Baltic và hai vụ nổ mạnh gần một đường ống dẫn khí đốt đã được xác nhận bởi các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch.
Nord Stream 1 đã ngừng hoạt động từ cuối tháng 8 nhưng vụ việc càng khiến thị trường khí đốt thêm căng thẳng. Đức nghi ngờ có hành động phá hoại. Công ty vận hành Nord Stream AG cho biết thiệt hại đối với đường ống là “chưa từng có tiền lệ” và không thể nói khi nào đường ống có thể hoạt động trở lại về mặt kỹ thuật.
Nord Stream 1 đã cung cấp gần 40% lượng khí đốt của Nga cho châu Âu vào năm ngoái. Nhưng Gazprom đã cắt công suất tại đường ống này vào tháng 6 vì các vấn đề kỹ thuật với tuabin, trước khi ngừng cung cấp hoàn toàn.
Nord Stream 2 – chạy gần Nord Stream 1 – đã hoàn thành xây dựng từ cuối năm 2021 nhưng chưa bao giờ cung cấp bất kỳ khí đốt nào cho châu Âu vì chưa được Đức cấp phép.